|
Thống kê
Total visit: 132,993,747
Today: 39786
Online: 8
|
[ Cập nhật ngày 21-04-2008 ]
Quy mô nhỏ, chưa tạo dựng được thương hiệu, giá thành chưa đủ hấp dẫn khi còn gần tương đương máy nhập ngoại nguyên chiếc... ngành sản xuất máy tính thương hiệu Việt non trẻ dường như đang ở thế yếu so với tiềm lực quá mạnh của những tên tuổi lớn đã có mặt ở Việt Nam 15 đến 20 năm nay như HP, IBM, Lenovo... Nhưng nói như thế không có nghĩa là máy tính thương hiệu Việt không thể tiêu thụ, nói như thế không có nghĩa là người tiêu dùng Việt thờ ơ với hàng nội. Nhu cầu tiêu dùng của 84 triệu dân chắc chắn vẫn còn rất lớn, cơ hội vẫn còn rất rộng. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có đi được đúng đường hay không?
Bánh lớn chia năm xẻ bảy
Không khó để nhận thấy, từ nhiều năm nay, thị trường máy tính trong nước đã vô hình chung chia làm 3 mảng thị trường chính với "tương quan lực lượng" liên tục thay đổi trong từng năm. Đầu tiên phải kể đến những máy tính có thương hiệu quốc tế, tên tuổi đã được khẳng định trên thị trường toàn cầu như HP, IBM, Sony... Nếu như nhiều năm trước, những chiếc máy thương hiệu ngoại này được coi là hàng xa xỉ khi có mức giá cao ngất ngưởng và chỉ dành cho những người có thu nhập cao, thì càng những năm gần đây, với chính sách giá cả, khuyến mại, hay liên kết ngân hàng trợ vốn mua sắm, những chiếc máy tính ngoại đã ngày càng trở nên gần gũi hơn với thu nhập trung bình của người dân. Và sức cạnh tranh của dòng máy này cũng tăng lên đáng kể, nâng thị phần của dòng máy này lên khoảng 15 đến 30% tổng thị phần.
Dòng máy thứ hai phải kể đến chính là dòng máy không có thương hiệu, hoặc được lắp ráp một cách thiếu quy chuẩn, tên tuổi chưa được đăng ký do nhu cầu tự phát của nhiều cửa hàng hoặc được lắp ráp theo nhu cầu tiêu dùng của từng khách hàng. Đây là dòng máy chiếm phần lớn thị phần người tiêu dùng lẻ bởi giá cả khá mềm và linh hoạt, cho người dùng nhiều lựa chọn. Cũng chính vì lý do này mà đã có lúc, thị phần của dòng máy này tại mảng thị trường bán lẻ lên tới 80-90% tổng thị phần.
Dòng máy thứ 3, xuất hiện từ sau năm 2001 với những cái tên như Mekong Xanh, FPT Elead, CMS... chính là dòng máy tính có thương hiệu nội địa - tức máy thương hiệu Việt. Sau những "cơn địa chấn" ban đầu, khi cùng với máy tính lắp ráp không thương hiệu chiếm lĩnh toàn bộ thị phần, đẩy máy ngoại ra xa người tiêu dùng, máy tính thương hiệu Việt dần dần trở nên yếu thế khi chưa thực sự đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu phát triển cũng như quảng bá sản phẩm hay các chiêu kích cầu chuyên nghiệp khác. Tuy nhiên, theo ông Trần Hải Nam, Giám đốc FPT Elead, thị phần của dòng máy này vẫn chiếm khoảng 15 đến 30% so với khoảng 65,70% thị phần của máy lắp ráp không thương hiệu trên thị trường.
Song, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tương quan lực lượng giữa các dòng máy này đang có sự biến động khá mạnh. Cùng với chính sách giá cả, sự chuyển đổi chiến lược và nhiều chiêu kích cầu khác, giá cả của những bộ máy tính nguyên chiếc có thương hiệu, cả "nội" và "ngoại" đều đang hút mạnh sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều người dùng hàng chính hãng. Thị phần dòng máy lắp ráp không thương hiệu, lắp ráp theo nhu cầu do đó cũng đã và đang có xu hướng giảm đáng kể. Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, dần dà, chiếc bánh lớn thị phần máy tính trong nước sẽ bị các hãng có thương hiệu, tên tuổi trong và ngoài nước "nuốt" dần, máy không thương hiệu sẽ không còn chỗ đứng. Và cuộc chiến giành thị phần, lúc đó chỉ còn là cuộc chiến thương hiệu: Nội hay ngoại?
Nội có "đọ" được ngoại?
Công bằng mà nói, nếu cố tình đặt lên bàn cân so sánh hai thương hiệu trong và ngoài nước, quốc tế và nội địa chắc chắn đó sẽ là một so sánh khập khiễng. Với những tên tuổi lớn mà thương hiệu đã được khẳng định, tiềm lực của họ thực sự rất mạnh. Ngoài một thương hiệu đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong tâm lý tiêu dùng, họ còn sở hữu cả một hệ thống rất chuyên nghiệp đi kèm. Từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, từ sản xuất tới bán hàng và hậu mãi, tất cả đều được hỗ trợ bởi một tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ kỹ thuật cực kỳ hiện đại và một hệ thống đi kèm chuyên nghiệp. Ngay cả tại thị trường trong nước, nơi những HP, IBM, Acer... vốn là khách, họ vẫn có được những ưu thế nhất định khi có mặt trước các thương hiệu Việt như FPT Elead hay CMS cả chục năm trời. Trong khi đó, các thương hiệu máy tính trong nước, bắt đầu bằng Mekong xanh, sau đó là FPT Elead, CMS lại... thiếu đủ thứ. Chỉ được vài năm đầu mới ra đời, tạo được một vài dấu ấn nhất định, rồi sau đó là "dè dặt" sản xuất, "dè dặt" tiêu thụ và PR sản phẩm cầm chừng.
Mua máy "nội" hay máy "ngoại"?
Tất nhiên, những tên tuổi ngoại không phải không có "điểm yếu". Đầu tiên là vấn đề giá cả. Chỉ vài năm trước thôi, sở hữu một bộ máy tính nguyên chiếc của HP vẫn còn thực sự là một khá xa xỉ, đặc biệt là với máy tính xách tay. Tuy nhiên, trong 1,2 năm trở lại đây, cùng với nhiều chiến lược giảm giá, tập trung vào các đối tượng tiêu dùng cụ thể như học sinh sinh viên, thậm chí nông dân cộng với các chiêu kích cầu, liên kết tiêu dùng, lượng máy tính ngoại được tiêu thụ trên thị trường đã tăng lên đáng kể. Thống kê của IDC cho thấy thị trường máy tính cá nhân tại Việt Nam đã tăng trưởng tới 41% so với năm 2006, đạt 1,4 triệu máy cho cả năm 2007, trong đó HP tăng trưởng tới 155%, Acer 154%.
Điểm yếu nữa của máy ngoại, cũng là điểm mạnh của các nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt chính là sự am hiểu thị trường nội địa. Vì là nhà sản xuất trong nước nên các nhà sản xuất máy tính nội địa cũng là những người hiểu hơn ai hết tâm lý tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng, thu nhập của người dân. Song, đây lại là thế mạnh không bền. Bởi nó có thể dễ dàng được các đối thủ ngoại khắc phục một khi họ có mặt đủ lâu trên thị trường và có được một đội ngũ nhân viên trong nước am hiểu.
Một ưu thế nữa của máy tính thương hiệu Việt trong tiêu thụ sản phẩm cũng đang bị đe doạ là quy định của chính phủ trong việc chỉ sử dụng máy tính sản xuất trong nước trong các đề án lớn của nhà nước. Từ trước đến nay, nguồn máy dự án chính là một nguồn tiêu thụ đáng kể cho các thương hiệu máy tính trong nước. Tuy nhiên, từ sau những hợp đồng ký kết lắp ráp thuê của FPT cho HP hay NEC, cánh cửa rộng này đã không chỉ còn có các tên tuổi 100% nội địa tham gia. Với những chiếc máy tính được sản xuất trên dây chuyền của Elead, đáp ứng yêu cầu "sản xuất trong nước", HP hay NEC hoàn toàn có "cửa" để tham gia vào các dự án lớn, cung cấp hàng trăm nghìn chiếc.
"Ngoại" tất ưu thế và lấn át "nội", đó là sự thực và cũng là xu hướng tất yếu nếu chúng ta nhìn sang các nước bạn, cùng khu vực như Singapore, Malaysia, Philippine. Song không vì thế mà "ngoại" sẽ "nuốt trọn" được "nội". Gần 70% thị phần của dòng máy tính lắp ráp linh kiện, máy không thương hiệu vẫn còn là mảnh đất lớn để cả hai cùng chiếm giữ. Cuộc đối đầu giữa hai thương hiệu trong nước và quốc tế chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục xong không hẳn là cuộc đối đầu trực tiếp. Và chỉ khi nào miếng bánh 70% này đã bị triệt tiêu hoàn toàn, khi đó "cuộc chiến" mới thực sự căng thẳng.
Đi lối nào?
Gần đây nhất, CMS - một trong những thương hiệu sản xuất máy tính nội địa lớn nhất Việt Nam đã thông báo rộng rãi báo chí về tham vọng tập trung chiến lược những năm tới vào mảng thị trường máy tính xách tay. FPT Elead, khá thận trọng, vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư tập trung vào mảng thị trường máy để bàn và máy chủ - vốn vẫn đang là thế mạnh của đơn vị này. Tuy nhiên cũng không dấu diếm ý định sẽ sớm công bố ra thị trường kế hoạch chiến lược và các chương trình lớn liên quan đến thị trường máy tính xách tay. Các đơn vị khác thì vẫn trong tư thế muôn thủa: cầm chừng và chờ đợi sự thành công của những đàn anh lớn.
Theo thống kê của công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (Hà Nội), chỉ tính riêng từ cuối năm 2007 sang đầu năm 2008, thị phần máy tính lắp ráp nguyên bộ thương hiệu trong nước đã tăng trưởng tới khoảng 40%. Cụ thể, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phụ trách kinh doanh của công ty, nếu như những tháng đầu năm 2007, lượng tiêu thụ những máy dòng này chỉ khoảng 300 hoặc 400 các loại thì từ giữa năm 2007, sản lượng tiêu thụ đã lên tới hơn 1000 chiếc các loại. Tương tự tại Media Mart, một siêu thị hàng điện tử khá lớn ngay tại Trung tâm Hà Nội, lượng tiêu thụ các sản phẩm máy tính thương hiệu nội địa cũng tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn số này là máy tính để bàn.
Nói như thế không có nghĩa là "cửa" cho máy tính xách tay thương hiệu Việt sẽ là một cánh cửa đóng chặt. Một cách hoàn toàn công bằng, chất lượng laptop Việt hoàn toàn không quá thua kém so với máy tính ngoại khi các công nghệ mới nhất, linh kiện hiện đại nhất cũng đã được quan tâm đầu tư cho các dây chuyền sản xuất máy tính xách tay trong nước. Thêm vào đó là chính sách "hỗ trợ" đối tác vàng của những tên tuổi đảm bảo như Microsoft, Intel, IBM... Rõ ràng máy tính xách tay thương hiệu Việt không hẳn là không có chỗ đứng nếu như tận dụng được ưu thế của mình và biết phát triển đúng hướng.
Tuy nhiên nhìn trái thì cũng nên nhìn phải, máy tính xách tay ngoại trên thị trường hiện nay đang quá mạnh, giá lại được giảm liên tục, ở mọi phân khúc, đặc biệt là phân khúc bình dân, giảm đến mức thậm chí rẻ hơn một chiếc máy để bàn. Trong khi đó, máy để bàn thương hiệu Việt lại đang rất được lòng người tiêu dùng và đang dần chiếm lĩnh được thị trường với chất lượng ngày càng nâng cao và giá cả cũng ngày càng mềm mại hơn, với chế độ hậu mãi ngày càng tốt hơn.
Nói như thế không có nghĩa là phát triển tập trung vào máy tính xách tay là không có lối thoát. Không có nghĩa là không nên phát triển máy tính xách tay ở thời điểm này. Phát triển và sớm khẳng định thương hiệu là điều cần thiết. Song phát triển thế nào, phát triển ra sao, nên tập trung định hướng như thế nào, e rằng không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Càng không phải chuyện có thể bàn trong một lần. Đó chắc chắn sẽ còn là một câu chuyện dài và cần nhiều hơn những minh chứng thực tế...
Tin tức khác:
|
|